Nhà khoa học hàng đầu về cá chình ở Việt Nam’ người đem khoa học vào thực tiễn
Ngày cập nhật: 11-12-2018
Mỗi năm xuất khoảng nửa triệu con cá chình trong trang trại được Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) công nhận trang trại cá chình có công nghệ tốt nhất khu vực, Ths Hoàng Văn Duật người nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ ương nuôi chình công nghệ cao được nhiều người ví von là “Nhà khoa học hàng đầu về cá chình ở Việt Nam”.
 

Mạo hiểm với chình sông

Công nhân đang tiến hành phân loại cá chình mỗi 3 tháng/lần. Ảnh: K.A

Ths Hoàng Văn Duật, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và Chuyển giao công nghệ thủy sản trực thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III, cho biết vào năm 2008 lãnh đạo Viện giao cho ông và các cộng sự nghiên cứu đối tượng mới sau khi tham gia nghiên cứu và áp dụng rất thành công vào thực tiễn sản xuất tôm sú, tôm thẻ và ốc hương… , để giúp người dân phát triển kinh tế.

Vậy là ông bắt đầu rong ruổi các nước trong khu vực, từ Trung Quốc, Đài Loan, rồi sang tận Hàn Quốc, để tìm giống mới phù hợp với điều kiện, khí hậu và môi trường nuôi trồng tại Việt Nam. Sau những chuyến đi và nghiên cứu tài liệu, ông nhận ra nguồn giống chình sông tự nhiên tại Việt Nam có rất nhiều nếu nuôi thành công có thể đứng thứ 5 – 6 thế giới về sản lượng. Mặt khác, đây là giống thủy sản có giá trị kinh tế rất cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Việt Nam.

“Dù có khí hậu khắc nghiệt với mùa Đông dài nhưng các nước nuôi chình hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn thành công. Nếu ở Việt Nam tiến hành nuôi cá chình có thể giảm 1/3 chi phí do không dùng nhiệt sưởi ấm vào mùa Đông nên có thể cạnh tranh với nhiều nước trên thế giới. Cá chình tuy không mới tại nước ta nhưng nuôi qui mô lớn, nuôi công nghiệp hiện đại vào thời điểm đó chưa có ai làm”, ông Duật phân tích.

vua ca chinh dong nam a thu nhap hang ty dong moi nam
Ths Hoàng Văn Duật, người góp công lớn đưa chình sông vào nuôi thâm canh. Ảnh: K.A

Gần 30 năm gắn bó với nghề thủy sản và thành công với rất nhiều giống đưa vào nuôi dưới dang công nghiệp sạch nhưng với chình sông gần như là con số 0 với ThS Duật. Từ con giống, thức ăn, đầu ra và kỹ thuật nuôi trồng gần như hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam nhưng “máu nghề nghiệp” khi nhìn thấy tiềm năng của cá chình đã giúp ông vững tin bước tiếp.

“Nghe anh Duật nói về con cá chình, tôi bị cuốn hút ngay. Ngay thời điểm đó, tôi chuẩn bị lấy vợ nhưng anh Duật cần một số anh em có chuyên môn ra nước ngoài học tập mô hình, tôi đã xin vợ sắp cưới hoãn cưới để lên đường đi ngay”, anh Ngô Minh Khang quản lý trang trại chình Vạn Xuân (Suối Cát – Cam Lâm – Khánh Hòa), một cộng sự đắc lực của ông Duật kể lại.

Sau khi cùng các cộng sự “ăn nằm” ở một trang trại chình nước ngoài nhiều tháng liền, ông Duật bắt tay xây dựng trang trại nuôi chình công nghiệp tại Suối Cát. “Do con giống trong nước chưa quy tụ được số lượng lớn và chúng tôi chưa thực sự ương nuôi thực tế tại Việt Nam nên thời gian đầu chúng tôi phải nhập giống, thức ăn nước ngoài để ương nuôi thử nghiệm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ương nuôi thử nghiệm chúng tôi mạnh dạn sử dụng con giống trong nước do người dân đánh bắt tại các cửa sông ở Phú Yên, Bình Định… rồi thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp để nuôi chình”, ông Duật nhớ lại.

Đem khoa học vào thực tiễn

vua ca chinh dong nam a thu nhap hang ty dong moi nam
Mỗi năm trang trại của ông Duật xuất khoảng 1 triệu con giống và thương phẩm. Ảnh: K.A

Mất gần 3 năm “ăn ngủ” với con chình sông, dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước “Hoàn thiện công nghệ ương và nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata) theo hình thức công nghiệp” của ThS Hoàng Văng Duật và các cộng sự được hội đồng khoa học đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn và cho phép mở rộng sản xuất, cung cấp cho thị trường con giống và chình thương phẩm.

“Đó là một bước tiến dài của các chúng tôi, có những giai đoạn nghĩ lại tôi còn lạnh xương sống vì tất cả đều mới mẻ từ con giống, đầu ra, thức ăn và công nghệ, khó khăn chồng chất. Do nuôi công nghiệp đầu tiên trên cả nước nên chúng tôi phải cải tiến hàng chục lần qui trình để phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết Việt Nam và phải thiết kế chế tạo hàng trăm loại thiết bị kỹ thuật để phục vụ công việc”, ông Duật chia sẻ.

Hiện công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân, đơn vị đầu tiên áp dụng công nghệ mới, mỗi năm cung cấp khoảng nửa triệu con chình giống cho cho 37 tỉnh thành trên cả nước và một số nước trong khu vực. Do con giống được sàng lọc kỹ và chăm sóc đúng qui trình nên đồng đều, ít hao hụt, kháng bệnh cao và tăng trưởng nhanh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

vua ca chinh dong nam a thu nhap hang ty dong moi nam
Hiện ông Duật và các cộng sự đang nghiên cứu thức ăn công nghiệp dành cho cá chình. Ảnh: K.A

“Từ con chình bột trắng nhỏ như chân nhang, chúng tôi mua của người dân về phân loại, cách ly và nuôi dưỡng gần 1 năm để ra được chình giống cấp 3 khoảng 100g/con để bán cho người dân. Sau một năm nuôi nhốt, chình thương phẩm có thể đạt từ 1,5 – 2kg/con với giá dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/kg”, anh Khang cho biết.

Để có được con giống chất lượng cao, ông Duật và cộng sự không ngừng cải tiến qui trình nuôi, từ việc lọc nước, bơm oxy nguyên chất dạng lỏng vào bể nuôi đến việc chế biến nguồn thức ăn riêng cho cá chình là những bước đi mới mẻ nhưng đem lại kết quả tốt.

Hiện nhóm nghiên cứu của Duật đang bắt tay thực hiện Dự án độc lập cấp nhà nước “hoàn thiện hệ thống thiết bị và công nghệ nuôi thâm canh cá chình hoa (Anguilla marmorata) bằng thức ăn công nghiệp”, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. “Phương pháp nuôi tuần hoàn khép kín, không thay nước giúp tăng mật độ nuôi, tiết kiệm nước, giảm thiểu chi phí vệ sinh, rút ngắn thời gian nuôi dưỡng và hơn hết có lợi rất nhiều cho môi trường. Nếu công trìnhnghiên cứu thành công sẽ tạo được bước đột phá trong ngành công nghiệp nuôi cá chình”, ông Duật thông tin.

vua ca chinh dong nam a thu nhap hang ty dong moi nam
Cá chình hiện có giá khoảng 450.000 đồng/kg. Ảnh: K.A

Trang trại chình Vạn Xuân, đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khoa học và áp dụng công nghệ ương, nuôi tiến tiến, hiện đại của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, với hệ thống ương nuôi tuần hoàn khép kín bằng lọc sinh học sử dụng oxi lỏng và có sản lượng đầu ra khoảng nửa triệu con/năm. Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) đánh giá là trang trại chình qui mô nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, đây còn là nơi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của giao viên và sinh viên các trường đại học trong nước, các chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam nghiên cứu về cá chình.

Với những gì đạt được, ông được nhiều người gọi là “nhà khoa học hàng đầu về cá chình ở Việt Nam” nhưng ThS Hoàng Văn Duật khiêm tốn: “Tôi xuất thân là nông dân, bây giờ là người nghiên cứu khoa học, với tôi việc đưa một giống mới ngoài thiên nhiên vào ương nuôi dưới dạng công nghiệp sạch và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân là một sự thành công. Khi nhìn thấy mô hình mình nghiên cứu thành công và ứng dụng rộng rãi mới là điều hạnh phúc lớn nhất thay vì các danh xưng”.

Nguồn:Bongluavang.vn

Chat

KINH DOANH

 0913 925 914 - Ms Phượng

KỸ THUẬT

 0949 097 808 - Mr Khang